PHẠT VI PHẠM TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI
Luật Thương mại 2005 không định nghĩa khái niệm về hợp đồng thương mại, song có thể hiểu hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (ít nhất một trong các bên phải là thương nhân hoặc các chủ thể có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại. Tức là một hợp đồng được xem là hợp đồng thương mại khi nó có những đặc trưng sau:
- Nội dung là các hoạt động thương mại.
- Được kí kết giữa các bên là thương nhân hoặc một bên là thương nhân. Đây là một điểm đặc trưng của hợp đồng thương mại so với các loại hợp đồng dân sự. Chủ thể trong hợp đồng thương mại gồm thương nhân (bao gồm các tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh), cá nhân, tổ chức khác có hoạt động liên quan đến thương mại (Điều 2 LTM 2005)
Trong hợp đồng thương mại, mối quan tâm hàng đầu của các thương nhân thường là biện pháp nào giúp giảm thiểu rủi ro cho mình trong hợp đồng. Theo quy định của Luật Thương mại 2005 để ngăn ngừa và giảm thiệt hại từ một hành vi vi phạm hợp đồng của đối tác các chủ thể trong hợp đồng có thể thỏa thuận phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại ngay trong hợp đồng thương mại.
Phạt vi phạm” hay còn gọi là “phạt vi phạm hợp đồng” là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Việc phạt vi phạm hợp đồng không mang tính bắt buộc, mà do các bên thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên thỏa thuận này (nếu có), thì phải thể hiện rõ trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có nội dung này, thì xem như hai bên không thỏa thuận. Khác với trong hợp đồng dân sự, mức phạt vi phạm là không giới hạn tùy vào 2 bên thỏa thuận, đối với hợp đồng thương mại “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật Thương mại” (Điều 301 LTM 2005). Với quy định này, cần lưu ý là mức phạt tính theo “giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”, chứ không phải là “giá trị hợp đồng”. Do vậy, nếu trong hợp đồng ghi là phạt “8% giá trị hợp đồng” thì có thể bị xem là thỏa thuận vô hiệu do trái luật khi có tranh chấp.
Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại, các chủ thể trong hợp đồng thương mại sau khi thỏa thuận việc phạt vi phạm hợp đồng với mức tối đa là 8% như nói ở trên, về nguyên tắc bên bị vi phạm còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Song để bảo đảm chắc chắn sẽ được quyền đòi bồi thường thiệt hại, các bên cần phải thỏa thuận và ghi rõ về việc “bồi thường thiệt hại” vào trong hợp đồng thương mại. Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể bằng và là lợi ích mà lẽ ra bên bị thiệt hại sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại.
Để được hướng dẫn chi tiết, vui lòng liên hệ:
Tổng đài tư vấn: 1900 63 6995 hoặc Hotline: 0942 391 917 – 0964 79 97 79
Email: info@hopluat.com.vn
Hợp Luật – Cùng bạn xây dựng tương lai.